Vietnamese Vietnamese

 LTS: Quý độc giả đang theo dõi bài viết của Đại tá Đặng Việt Thủy-một sỹ quan quân đội hưu trí, bài viết được rút ra từ những bài học về cách dùng người của vua Lê Thánh Tông trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài.

Ông không chỉ là một vị vua giỏi, giữ vị trí hàng đầu trong công cuộc xây dựng, củng cố nhà nước phong kiến mà còn là một nhà chính trị tài năng, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, có công lao to lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Vua Lê Thánh Tông tên húy là Tư Thành, con thứ tư của vua Lê Thái Tông và hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Ngày mồng 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), hoàng tử Tư Thành lên ngôi ở điện Tường Quang, xưng làm Thiên Nam động chủ, lấy ngày sinh làm Sùng Thiên Thánh Tiết, đổi niên hiệu là Quang Thuận năm thứ 1, ban đại xá cho thiên hạ.

1

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài (Ảnh minh họa từ baodanang.vn)

Tháng 4, niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462), vua mở hội thi Hương. Các quan, xã trưởng sở tại có trách nhiệm chứng thực cho các thí sinh đi thi phải thực là người có đức hạnh thì mới được dự thi. 
Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi. Phép thi được quy định như sau:

Thí sinh phải nộp giấy chứng thực ghi rõ là người của phủ, huyện nào, lý lịch bản thân, không được gian dối, giả mạo.

- Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch thì bản thân và con cháu không được dự thi. Nếu nhờ người thi hộ sẽ bị trị tội nặng.

Vua Lê Thánh Tông còn quyết định cứ 3 năm thì mở hội thi một lần.

Năm 1470, đổi niên hiệu là Hồng Đức năm thứ 1.

Vua Lê Thánh Tông một đấng minh quân, học rộng, tài cao. Với tổ tông thì hiếu nghĩa, với quần thần thì thương yêu. 

Trong vòng 38 năm ở ngôi, vua đã sửa sang lại nhiều việc như: mở mang việc học hành, chăm sóc nông nghiệp, chỉnh đốn quân đội, đánh dẹp sự xâm lấn biên cương của ngoại bang khiến cơ nghiệp nước nhà ngày thêm vững mạnh, lừng lẫy một phương, kể từ thượng cổ đến bấy giờ nước Đại Việt thật sự cường thịnh về mọi mặt.

Đời Hồng Đức là một thời kỳ có nhiều tiến bộ và phát triển các bộ môn khoa học, nghệ thuật. Trạng nguyên Lương Thế Vinh không những giỏi về Nho học, ngoại giao với vua quan nhà Minh mà còn rất giỏi về môn toán.

 
Thần cơ diệu toán vạn niên sử là câu thơ rất lạ của Lương Thế Vinh khi còn là học trò để chỏm. Khi làm quan, Lương Thế Vinh đã dày công nghiên cứu và hệ thống hóa những thành tựu về hình học, soạn ra cuốn Đại thành toán pháp để cho cả nước có thể vận dụng toán học vào việc đo đạc ruộng đất một cách chính xác và dễ dàng. 

Vũ Hữu có cuốn Lập thành toán pháp vận dụng toán học trong việc tính toán nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng...

Sự nghiệp giáo dục dưới thời Lê Thánh Tông được quan tâm và phát triển mạnh mẽ hơn hẳn các triều đại trước. Bên cạnh việc sửa sang, mở rộng Văn Miếu ở kinh đô, nhà vua đặc biệt quan tâm đến việc củng cố và phát triển Quốc Tử Giám, tổ chức các kỳ thi để đào tạo và tuyển dụng nhân tài. 

Lần đầu tiên xuất hiện các thầy giáo chuyên dạy một Kinh (trong 5 Kinh) nhất định bên cạnh các giáo thụ của Quốc Tử Giám, các huấn đạo ở các huyện phụ trách việc dạy học cho con em nhân dân. 

Lần đầu tiên xuất hiện hệ thống các giám sinh nội trú có học bổng với ba loại: Thượng xá, Trung xá và Hạ xá và bên cạnh các lớp chung có những lớp riêng Sùng văn quán, Tú lâm cục. Đó là bộ phận giảng dạy và đào tạo. 

Trong thi cử, lần đầu tiên, dưới thời Lê Thánh Tông các kỳ thi Hương (ở đạo thừa tuyên), thi Hội (ở trung ương) được định hạn rõ ràng và thực hiện nghiêm chỉnh. Lê Thánh Tông cho phép đặt ở mỗi đạo thừa tuyên một trường thi Hương và quy định số lượng người được phép lấy đỗ cũng như được phép lên kinh thi Hội. 

Lệ "Bảo kết thi hương" được ban hành. Ngay từ năm 1463, kỳ thi Hội đã được tổ chức và nhà vua đã tự chọn người làm Đề điệu, Giám thí, Độc quyển, Khảo thí... cũng như tự mình ra đề thi cho kỳ thi Đình, phân chia thứ bậc.

Điều đáng trân trọng của chế độ thi cử đương thời là theo chủ trương của Lê Thánh Tông, "Lấy rộng người thực tài, không lo bội số" (ký của Đỗ Nhuận), do đó, nhà sử học Phan Huy Chú đã ca ngợi: "Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng... Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém" [1]. 

"Dụng nhân duy hiền" của Lê Thánh Tông là như vậy, tuy năm đầu tiên đã có 1.400 thí sinh, Lê Thánh Tông vẫn khuyến khích việc học hơn nữa bằng hàng loạt lệ tôn vinh như xướng danh, yết bảng vàng công khai những người đỗ ở cửa Đông Hoa, dự yến, vinh quy bái tổ và đặc biệt là dựng bia Tiến sĩ. 

82 tấm bia còn lại ở Văn Miếu Hà Nội ngày nay là kết quả của sự tôn vinh đó ở thời Lê Thánh Tông, cũng như không có thời kỳ nào mà qua 12 kỳ thi Hội (dưới triều Lê Thánh Tông), đã đỗ được 501 Tiến sĩ, trong đó có 10 Trạng nguyên, nhiều Bảng nhãn và Thám hoa. 

Chế độ khoa cử ngày xưa gắn liền với vấn đề nhân sự của bộ máy Nhà nước. Triều đại vua Lê Thánh Tông đã đánh dấu bước mở đầu quyết định của chế độ đào tạo quan chức bằng giáo dục.

Đó cũng là bước khẳng định sự chuyển đổi từ chế độ quan liêu thân tộc sang chế độ quan liêu trí thức, mở rộng cửa quan trường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Lê Thánh Tông giao Đông Các đại học sĩ kiêm Thượng thư bộ Lại Thân Nhân Trung soạn một bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, để nói về ý nghĩa của khoa thi Hội năm 1442 dưới thời Lê Thái Tông. 

Từ khi nhà Lê dựng nước đến năm này, đây là khoa thi đầu tiên được tổ chức với quy mô rộng lớn, với nguyên tắc chặt chẽ, với sự tham gia chấm thi của nhiều bậc hiền tài như: Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân... 

Khoa thi đã chọn được 33 người đỗ. Trong số đó có Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đỗ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Học đỗ Thám hoa.

Theo Thân Nhân Trung trong văn bia 1484 và văn bia 1487 thì việc coi trọng khoa thi, quý trọng hiền tài, được thực hiện từ Lê Thái Tổ. 

Tuy nhiên, đến đời vua Lê Thánh Tông thì việc này được nhà vua đặc biệt quan tâm và được tổ chức chu đáo nhất. Thân Nhân Trung nhận định rằng:
"Phàm những điều triều trước đã làm thì noi theo mà giữ lấy.

Việc mà những triều trước chưa làm được thì bổ sung và cho mở rộng thêm. Sau khi loa truyền yết bảng, lại cho dựng đá đề tên, cốt để lưu truyền mãi mãi. Phép hay ý đẹp đều làm đến nơi đến chốn".

Lê Thánh Tông thấy cần thiết phải dựng thêm bia đá đề tên tiến sĩ. Ý tốt đẹp của nhà vua là nêu lên vai trò của hiền tài là đem lại hưng thịnh cho đất nước.

Vâng mệnh nhà vua, Thân Nhân Trung thảo bài văn bia 1484 và bài văn bia 1487, qua đó ông nêu lên những điều cơ bản trong chính sách hiền tài của nhà nước.

Thân Nhân Trung viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp".

Thân Nhân Trung còn viết: "Nhân tài phồn thịnh vốn có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hóa của thánh nhân" (Văn bia 1487).

Có khí hóa của trời đất tức là nói hoàn cảnh thịnh trị của đất nước trong đó mọi sự vật đều phát triển tốt đẹp. Theo Thân Nhân Trung đó là thời đại Lê Thánh Tông. Có sự giáo hóa của thánh nhân là nói về sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với việc giáo dưỡng tuyển chọn và đãi ngộ hiền tài.

Lê Thánh Tông là một vị vua anh minh, quyết đoán, có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước về các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa và giáo dục. Năm Đinh Tỵ - 1497, ông bị ốm nặng rồi mất.

Tài liệu tham khảo:

 [1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Nxb Sử học, H. 1961, tr. 12.

Đại tá Đặng Việt Thủy

Liên hệ