Vietnamese Vietnamese

Học hành, thi cử là con đường vinh quang với những người đỗ đạt, nhưng đó cũng là thách thức gian nan với nhiều sĩ tử ngày xưa.

Con đường học hành của sĩ tử ngày xưa bắt đầu rất sớm. Theo một số tài liệu còn lưu lại, khi 6 đến 7 tuổi, trẻ đã bắt đầu học về sách Sơ học vấn tân, Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ), Ngũ ngôn (văn vần 5 chữ). Học trò tập làm văn, làm câu đối 2 chữ, 4 chữ, biết phân biệt vần trắc và bằng…

Nội dung học tập

Khoảng 10 tuổi, học trò làm quen những sách kinh điển của Nho giáo, như Tứ thư, Ngũ kinh, rồi Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta).

Ngoài ra, trẻ còn phải đọc sách Bách gia chư tử của các triết gia Trung Quốc thời cổ đại, Đường thi, Tống thi, những áng văn tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc.

1

Một buổi học ngày xưa. Ảnh: Công Lý.

Tất cả những nội dung đó, học trò phải thuộc lòng, quên một chữ thì tìm thầy để hỏi. Tất nhiên, để thi cử đậu đạt, những kiến thức trên vẫn chưa đủ. Nó còn phụ thuộc nhiều vào việc vẫn dụng sáng tạo, linh hoạt vào nội dung của từng bài thi cụ thể.

Không chỉ học thuộc làu văn thơ, kinh sách, viết văn, làm thơ, vế đối, học trò còn phải biết soạn thảo các loại văn bản của triều đình.

Thầy giáo trường làng được mệnh danh là thầy đồ, thường là những người học giỏi nhưng thi cử không đậu đạt cao, quan lại nghỉ hưu, hoặc thi đỗ mà không muốn làm quan…

Nhà nước không đài thọ trường dạy trẻ con mà chỉ mở trường huyện, phủ và tỉnh. Quan giáo dục ở huyện gọi là huấn đạo, ở phủ gọi là giáo thụ, còn danh hiệu đốc học gọi là quan của hàng tỉnh.

Sự khốc liệt của các kỳ thi

Trong buổi đầu, thể lệ thi cử chưa ổn định. Sau đó, theo sự phát triển của giáo dục và khoa cử, thể lệ thi cử ngày càng đi vào nền nếp, khuôn khổ. Tuy nhiên, việc quy định bao nhiêu năm tổ chức một kỳ thi không thống nhất, phụ thuộc vào từng triều đại cụ thể.

Năm 1075, nhà Lý tổ chức kỳ thi đầu tiên. Sau đó, khoảng cách giữa những khoa thi thường là 12 năm, rồi đổi thành 7 năm. Đến năm 1435, vua Lê Thái Tông sửa lại là 6 năm một kỳ. Nhưng đến năm 1466, Lê Thái Tông đổi lại là 3 năm một kỳ. Lệ thi này sau đó kéo dài tới cuối thời Nguyễn.

Quy chế khoa cử thời phong kiến bao gồm 3 kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Trong đó, quan trọng nhất là 2 kỳ thi Hương và thi Hội.

2

Trường thi Nam Định năm 1912. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Thi Hương được tổ chức quy mô một tỉnh hoặc liên tỉnh để chọn người vào thi Hội, thi Đình. Thể lệ thi Hương được ổn định từ thời Lê Thánh Tông, bắt đầu mở trường thi ở các địa phương.

Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ của nhà Nguyễn, kỳ thi Hương có ba vòng (tam trường) hoặc bốn vòng (tứ trường).

Vòng đầu thi kinh nghĩa, gồm các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo. Vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận.

Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài.

Dễ làm nhưng khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay (mỗi người một cảm nhận, đánh giá nên rất khó).

Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, sĩ tử không những phải thông làu kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ.

Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực như thiên văn, địa lý, bói toán, y học..., đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi sĩ tử phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!

Những người đỗ trong các kỳ thi Hương chia ra làm 2 loại. Loại một (từ thời Lê về trước) có các danh hiệu Cống cử, Cống sinh, Cống sĩ, Hương tiến, Hương cống. Những ông cử này sẽ được dự kỳ thi Hội. Loại Hai không được thi Hội gọi là Sinh đồ. Người đỗ đầu thi Hương được mệnh danh Giải nguyên.

Thi Hội và thi Đình được mệnh danh là kỳ thi Đại Tỷ (thi lớn, thường được gọi là Đại khoa, gồm hai giai đoạn).

Thi Hội là kỳ thi quốc gia dành cho những người đã qua thi Hương, có bằng cử nhân và các Giám sinh đã mãn khóa Quốc Tử Giám. Những người đỗ đạt trong các kỳ đại khoa như thế đều có danh hiệu, tùy thuộc các thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

Theo quy định từ năm 1434, thi Hội cũng có 4 kỳ. Kỳ một thi kinh nghĩa, thư nghĩa, kỳ hai thi chiếu, chế, biểu, kỳ ba thi thơ phú và kỳ bốn thi văn sách.

Thi Đình còn gọi là Điện thí, được tổ chức ngay tại sân điện, do đích thân vua ra đề và chấm thi. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi Đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ.

Đây cũng là kỳ thi cuối cùng để xếp loại tiến sĩ đã đỗ ở kỳ thi Hội trước đó. Sau khi vua chấm bài, học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh là vinh hiển tột cùng.

Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, thăm hoa ở vườn ngự uyển, cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Dưới thời Nguyễn, sĩ tử mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông cổ, phạt đánh 100 roi, bài thi quy định rất ngặt nghèo về cách diễn đạt, trình bày…

Mặc dù không quy định tuổi tác, triều đình rất xem trọng đạo đức của thí sinh. Chỉ những người đáp ứng đủ điều kiện về đạo đức mới được dự thi. Khi đã vào trường thi, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Thời nhà Nguyễn quy định thi Hương đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị Tú tài; đỗ tứ trường đạt học vị Hương cống (về sau gọi là cử nhân); đỗ thủ khoa đạt Giải nguyên.

Thi Hội đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi Đình; đỗ bảng thứ là thứ trúng cách, được học vị Phó bảng; đỗ thủ khoa đạt Hội nguyên.

Đỗ thi đình đạt học vị chung là Tiến sĩ; đỗ thủ khoa đạt Đình nguyên. Trong đó, đỗ từ 8 đến 10 điểm được xếp bậc Đệ nhất giáp; 10 điểm đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên), 9 điểm đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, thường gọi là bảng nhãn, 8 điểm đạt Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, thường gọi là thám hoa.

 

                                                                                                                   BBT website st

Nguyễn Hiền sinh ngày 12 tháng 7 năm Ất Mùi (1235), quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Giả trai đi thi, bà Nguyễn Thị Duệ đỗ đầu, được trọng dụng rồi trở thành Bà Chúa Sao Sa, có công giúp nhiều sĩ tử học hành, đỗ đạt.

 1. Tướng mạo xấu, nhưng trí tuệ “đẹp”

Mạc Đĩnh Chi người làng Lan Khê, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Dương ngày nay, sau dời sang làng Luỹ Động, huyện Chí Linh. Thuở nhỏ, ông rất linh lợi, thông minh, nhưng tướng mạo xấu xí. Thân hình ông lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô...

Bấy giờ, thời nhà Trần có Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, là người hay chữ, mở học đường, Mạc Đĩnh Chi xin vào học. Lúc đó cậu mới 4 – 5 tuổi, nhưng đã tỏ ra hết sức thông tuệ, được mệnh danh là thần đồng.

Đến năm 1304, đời  vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12, triều đình mở khoa thi, lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên, lúc này ông mới hơn 20 tuổi. Nhưng khi ra mắt, nhà vua thấy mặt mũi, thân hình ông xấu xí, không muốn cho đỗ trạng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc), để nói lên phẩm  giá thanh cao của mình, dâng lên vua. Anh Tông xem bài phú thấy rõ tài hoa, tư cách của ông, nên cảm phục và cho đỗ trạng nguyên. Sau đó, để tỏ lòng ưu ái người tài, nhà vua cho dẫn ông và hai người khác đỗ Tam Khôi là bảng nhãn Bùi Mộ và thám hoa Trương Phóng ra phía cửa Long Môn Phượng Thành dạo chơi trên đường phố ba ngày liền.

Ông được cử giữ việc coi sóc thư khố của nhà vua, rồi chức Tả bộc xạ (Thượng thư)... Đặc biệt trong hai lần sang sứ Trung Quốc, ông đã dùng tài năng và phẩm chất cao đẹp của mình để làm rạng rỡ đất nước và khiến người nước ngoài phải khâm phục.

2. Mở cửa ải bằng một vế đối

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được cử sang sứ Tầu, mừng vua Nguyên lên ngôi, để giữ mối hoà hiếu trong quan hệ bang giao giữa hai nước. Theo lịch thì đoàn sứ bộ nước ta sẽ đến cửa ải vào ngày giờ định trước. Không may hôm lên đường gặp trục trặc, nên đến sai hẹn. Khi đoàn sứ bộ ta tới nơi, thì trời tối, cửa ải đã đóng. Quân Nguyên canh gác bắt phải chờ đến sáng hôm sau. Thấy sứ bộ ta cứ biện bạch mãi, viên quan phụ trách canh ải mới thả từ trên lầu cao xuống một câu đối, thách sứ bộ ta nếu đối được thì họ sẽ mở cửa ải.

Câu đối như sau: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quen” (Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua).

1

Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Qua vietvisiontravel.com)

Một vế đối hắc búa có đến 4 chữ quan và 3 cữ quá! Mạc Đĩnh Chi thấy khó, nhưng ông đã nhanh trí dùng mẹo để đối như sau:

“Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời ông đối trước!)

Tưởng lâm vào thế bí, thế mà lại hoá ra tìm được vế đối hay, khiến người Nguyên phải phục tài sứ giả nước Nam, liền mở cửa ải để đoàn sứ bộ nước ta qua biên giới.

3. Cuộc đấu trí ở nước ngoài

Sau khi khuất phục nhà Tống và đánh bại nhiều quốc gia từ Á sang Âu, vua Nguyên  đã cho các đạo quân rất hùng hậu và thiện chiến kéo sang xâm lược nước ta ba lần. Nhưng cả ba lần họ đều đại bại, đến nỗi viên tổng tư lệnh đạo quân khét tiếng này là Thoát Hoan đã phải chui vào ống đồng, sai quân khiêng trốn chạy mới thoát chết! Tuy thất bại, nhưng tư tưởng nước lớn, coi thường nước nhỏ ngày càng ăn sâu, bén rễ trong đầu óc vua quan triều Nguyên. Vì vậy, có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ, cưỡi lừa rong chơi đường phố Bắc Kinh, vô ý đụng phải ngựa một viên quan Tàu. Viên quan này vênh mặt hỏi bằng một câu đối:

“Xúc ngã kị mã, Đông di chi nhân dã, Tây di chi nhân dã?” (Đụng vào ngựa ta cưỡi, ấy là rợ phương Đông hay rợ phương Tây?). Viên quan Tàu dùng chữ trong sách Mạnh Tử, có ý khinh rẻ, cho người nước ta là mọi rợ.

Mạc Đĩnh Chi thấy viên quan Tàu giở giọng kẻ cả, bực lắm bèn đọc luôn:

“Át dư thừa lư, Nam phương chi cường dư, Bắc phương chi cường dư?” (Húc vào đầu lừa, hỏi phương Nam mạnh, hay phương Bắc mạnh?).

Trong vế đối, trạng nước ta cũng dùng chữ trong sách Trung Dung và ngụ ý để viên quan Tàu kiêu ngạo thấy: “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào!”.

Lần khác, người Nguyên thấy đoàn sứ bộ ta chuyện trò với nhau, tiếng cứ ríu ra ríu rít như chim. Họ bèn ra câu đối để đùa:

“Quých thiệt chi đầu đàm Lỗ Luận: tri chi vi tri chi, bất vi tri bất tri, thị tri “(Chim chích choè đầu cành bàn sách Luận ngữ: biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, thế mới là biết).

Đây là một vế đối khó. Người Nguyên đã chọn những từ vi, tri, chi... giống tiếng chim kêu để giễu người Việt khi phát âm.

Mạc Đĩnh Chi đã đối:

“Oa lâm trì thượng độc Châu thư: lạc dữ độc lạc nhạc, lạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc?”(Con chẫu chuộc ngồi dưới ao đọc sách nhà Chu: nghe nhạc vui cùng ít người, nghe nhạc vui cùng nhiều người, đằng nào vui hơn?).

Vế đối của trạng nước ta cũng dùng từ lạc, lạc, nhạc... giống tiếng chẫu chuộc, để chọi lại, chế người Nguyên nói ồm ộp như chẫu chuộc!

Lần khác, Mạc Đĩnh Chi ngồi uống nước với người Nguyên ở cạnh chùa. Họ bèn ra câu đối để thử tài sứ Việt Nam. Câu đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau:

“Cây kỉ vốn là một loài gỗ. Cái chén không phải là loài gỗ. Tại sao lấy cây kỉ làm chén?”.

Trạng nhìn ngôi chùa, tức cảnh đối ngay:

“Tăng là người. Phật không phải là người. Sao lại lấy tăng thờ Phật?”.

Vế đối quả là chan chát và lập luận thật là chặt chẽ, chính xác!

Lại có lần Mạc Đĩnh Chi đi chơi cùng phái bộ triều Nguyên. Tới gần một chiếc cầu, do vô ý ông bị sa xuống hồ. Người Nguyên chạy đến đỡ ông. Để đùa, họ đã đọc câu đối:

“Can mộc, hoành cừ, lục giả tương như tự đạo” (Gỗ thẳng, cầu ngang, đường đi ngỡ là đất phẳng).

Câu đối rất khó, vì dùng toàn tên của một số nhân vật bên Tàu ghép lại (Đoàn Can Mộc, Hoành Cừ, Lục Giả, Tương Như và Tự Đạo).

Mạc Đĩnh Chi thấy bên kia sông có ngôi đình dưới chân núi, nẩy ý đối rằng: “Đại đình, an thạch, vọng chi nghiễm nhược thái sơn ”(Đình to, đá vững, nhác nom như thể Thái Sơn).

Vế đối của ông rất tài tình, vì cũng dùng toàn tên người ghép lại (Đại Đình là biệt hiệu của Thần Nông; Vương An Thạch, Vọng Chi...).

Có được tài năng ứng đối tuyệt vời như thế là nhờ tư duy của Mạc Đĩnh Chi cực kì linh hoạt. Truyện kể, một lần viên Tể tướng Tàu mời ông đến nhà chơi. Nhìn thấy nơi cửa sổ có bức trướng thêu một con chim sẻ đậu trên cành trúc, giống chim thật như đúc, Mạc Đĩnh Chi bèn tiến lại giơ tay ra bắt, khiến các quan khách có mặt trong phòng cười ồ, chê ông là ngớ ngẩn, quê  kệch. Biết mình nhầm, nhưng Mạc Đĩnh Chi đã kéo ngay bức trướng xuống xé toạc. Tất cả quan khách đều kinh ngạc, nhìn ông. Bấy giờ Mạc Đĩnh Chi mới hướng vào vị Tể tướng Nguyên, nói:

- Cổ nhân vẫn cho trúc là bản sắc người quân tử, còn chim sẻ là hình dáng kẻ tiểu nhân. Thế mà không hiểu sao quan Tể tướng lại cho treo trong nhà  bức tranh vẽ kẻ tiểu nhân đè đầu người quân tử. Tôi e rằng, ở quý quốc, đạo của tiểu nhân át mất đạo quân tử, nên tôi vì Thánh đế mà xé bức tranh này.

Câu giải thích của trạng Việt nam làm cho viên Tể tướng Nguyên và tất cả các quan khách có mặt đều thấy chí lí và phục trạng có tài hùng biện, hiểu biết uyên bác hơn người.

4. Trạng nguyên hai nước

Mạc Đĩnh Chi là trạng nguyên của nước ta, nhưng khi sang sứ Tàu, vua Nguyên phục ông đối đáp thông tuệ, học vấn uyên thâm, đã phong ông làm trạng nguyên Trung Quốc.

Có lần, muốn thử tài năng và khí tiết của vị Chánh sứ nước ta, vua nguyên ra một vế đối bằng chữ Hán, dịch ra như sau:

“Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy cung trăng”.

Nghe xong, Mạc Đĩnh Chi biết vua Nguyên tỏ vẻ kiêu ngạo, xem mình là mặt trời và xem nước ta như mặt trăng, nên đã đối lại:

“Trăng là cung, sao là đạn, tối đến bắn rơi mặt trời”.

Thoạt đầu, vua Nguyên nổi giận, nhưng qua vế đối biết tài năng, khí tiết của sứ thần nước ta không phải là vừa, nên đem lòng nể trọng, chuyển giận làm vui và sai lấy vàng lụa, rượu ngon thưởng cho trạng Việt Nam.

2

Ảnh: minh họa

 Có lần Mạc Đĩnh Chi sang sứ đúng vào dịp người Hậu phi của vua Nguyên mất. Lúc làm tế lễ, người Nguyên đưa cho Chánh sứ nước ta bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc. Khi Mạc Đĩnh Chi mở giấy ra thì chỉ thấy viết có bốn chữ “Nhất” (là một). Ông chẳng hề lúng túng, vừa nghĩ vừa đọc thành bài điếu văn rất hay, đầy cảm động như sau:

“Thanh thiên nhất đoá văn
Hồng lô nhất điểm tuyết
Ngọc uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”

Nghĩa là:

“Một đám mây giữa trời xanh |
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước hồ
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!”.

Vậy là chỉ có bốn chữ “Nhất” mà trạng nước ta đã đọc thành một bài văn điếu tuyệt hay, khiến cho cả triều thần phương Bắc phải bái phục.

Lại một lần khác, Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần một số nước ra mắt vua Nguyên. Nhân có nước nào đó dâng chiếc quạt,  vua Nguyên bắt sứ thần nước ta và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liến thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:

Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công (là những người được vua trọng dụng).
Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề” (là những người bị ruồng bỏ).

Với sự nhanh trí kì lạ, Mạc Đĩnh Chi liền phát triển hai câu thơ trên thành một bài xuất sắc, mô tả chiếc quạt:

“Chảy vàng, tan đá, trời đất là lò lửa, thì lúc ấy ngươi (chỉ  chiếc quạt) như Y Doãn, Chu Công là những bậc cự nho (người tài giỏi).

Gió bấc lạnh lùng, mưa tuyết đầy đường, lúc ấy người như Bá Di, Thúc Tề là những ông già chết đói.

Ôi! Dũng thì thành đạt, bỏ thì xếp xó. Chỉ có ta và người là như thế chăng?”.

Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Nhân dân ta ngưỡng mộ, tôn xưng ông là: “Lưỡng quốc trạng nguyên” (trạng nguyên hai nước).

 5. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Mạc Đĩnh Chi suốt đời sống rất liêm khiết, thanh bạch, nên tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo. Vua Trần Minh Tông biết rõ sự tình đã sai người đang đêm đem 10 quan tiền bỏ trước cửa nhà ông, ngầm cho ông. Sáng mai, khi thức dậy, ông cầm số tiền đó vào triều tâu vua. Vua cười bảo: “Không ai đến nhận, cho khanh cầm lấy mà tiêu”. Vua khen ông trong sạch và tặng hai chữ “Lịch sử”.

Hồi đó, có một người tên là Lý Đạo Tái, ở làng Vạn Tải, thuộc tỉnh Hà Bắc [1] trước đây. Ông này đỗ trạng nguyên khoa Nhâm Tí (1252), niên hiệu Nguyên Phong thứ hai, đời Trần Thái Tông. Nhà vua thấy Đạo Tái là người tài đức, muốn gả công chúa Liễu Sinh cho, nhưng ông không ưng, tìm mọi cách từ chối. Sau đó, vì thấy cảnh đời đen trắng nên ông bỏ quan, xuất giá tu hành theo đạo Phật, mong tìm cách cứu vớt chúng sinh. Lý Đạo Tái được phong Phật hiệu là Huyền Quang, đạo pháp cao siêu, thoát khỏi lòng dục, khiến vua Trần có lần đã hỏi thị thần và tăng đạo rằng:

- Người ta sống ở trong đời đất đều thích ăn vị ngon, thích mặc màu đẹp, đều có tình dục cả... Tại sao mình lão tăng Huyền Quang từ trước tới nay chỉ sắc sắc không không, như nước chẳng gợn sóng, như gương chẳng mờ bụi. Đó là ngăn hãm lòng dục hay không có lòng dục vậy?

Bấy giờ, Mạc Đĩnh Chi đứng bên mới tâu rằng:

- Vẽ hổ chỉ vẽ được da, khó vẽ được xương. Biết người thì biết mặt không rõ được lòng. Xin cứ phải thử xem thì mới rõ.

Nhà vua cho lời ông nói là phải, bèn ngầm chọn một người cung nữ rất đẹp tên là Nguyễn Thị Điềm Bích và giao cho nàng nhiệm vụ tìm đến chùa Hoa Yên, núi Yên Tử - là nơi sư Huyền Quang tu hành - để thử lòng sư. Điểm Bích đã dùng đủ thuật quyến rũ, nhưng vẫn không sao khêu gợi được lòng dục của Huyền Quang. Việc làm trâng tráo của nàng đã được một bà già đến lấy thuốc nấp sau chùa chứng kiến.

Vì bị sư Huyền Quang chối từ, lại lo sợ không thực hiện được mệnh vua, nên Điểm Bích quyết định ra sau núi quyên sinh. Huyền Quang biết, bèn lấy lời lẽ khuyên can và hỏi rõ ngọn nguồn.  Bấy giờ, Điểm Bích mới thổ lộ rằng nàng được nhà vua giao tìm cách lấy được 3 nén vàng của sư ông đưa về. Huyền Quang nghe xong ái ngại, đã lấy 3 nén vàng giao cho Điểm Bích (vì trước đó nhà vua có cho sư ông 10 nén vàng, in dấu quốc khố). Khi thấy Điểm Bích đưa vàng về trình, kèm theo những lời thêu dệt sư ông ong bướm, nhà vua đã nổi giận, cho Huyền Quang là sư hổ mang, định trị tội. May sao có bà lão lấy thuốc làm chứng, vạch điều vu khống của Điểm Bích, nên vua mới hiểu sư Huyền Quang quả lòng trong sạch, không vết dục tình.

Con người giữ được cái tâm mới thật đáng quý. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã biểu lộ cái tâm trong sáng của ông từ thuở hàn vi, khi ông làm bài phú “Hoa sen trong giếng ngọc” dâng vua và ông đã giữ nó trong sạch suốt cả cuộc đời..., khiến cho người đời mãi tôn trọng, kính phục ông.

* Chú thích:

 [1]  Nay là tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

 (Theo Thần đồng xưa của nước ta - NXB Giáo Dục - 1998)

Hơn một thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về “Thần Siêu” vẫn còn được nhân dân truyền tụng. Ông là người cho xây tháp đá hình ngọn bút lông hướng lên trời bên đền Ngọc Sơn, Hà Nội.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù cho đến xử án tử. Để giúp HSSV trường CĐSP Kiên Giang có cái nhìn khái quát về vấn đề này nhằm học tập tốt hơn, BBT tổng hợp và giới thiệu bài viết “Gian lận thi cử và hình phạt thời phong kiến”.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay đổi chóng mặt trong cách tiếp cận tri thức đặt ra thách thức lớn cho người giáo viên. Khi các cỗ máy tìm kiếm, mạng xã hội đang trở thành nguồn học tập vô tận, giáo viên không chỉ đơn thuần trao tri thức, mà còn phải trở thành người định hướng, khai mở tiềm năng cho học trò.

Tác giả của Lục Vân Tiên dù bị mù vẫn mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người và tham gia bàn bạc công việc cứu nước.

Cho rằng trường lớp quá ít, con em nhân dân phần lớn thất học, Chu Văn An mở trường dân lập và dạy học tới cuối đời. Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo , Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa".

Thầy giáo Lê Quý Đôn – “túi khôn của thời đại”

Từng đỗ đầu ba kỳ thi, Lê Quý Đôn phê phán lối học phục vụ thi cử, đề cao việc "học là để hành".

Lê Quý Đôn, nguyên là Lê Danh Phương, sinh năm 1726 trong một gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con cả của tiến sĩ Lê Phú Thứ (sau đổi thành Lê Trọng Thứ) - người từng làm đến chức Hình bộ Thượng thư. Mẹ ông là con gái một tiến sĩ từng trải qua nhiều chức quan.

Từ nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là thần đồng ham học, thông minh, có trí nhớ siêu đẳng. Người đương thời khuyên nhau "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn", tức là thiên hạ có điều gì không biết thì cứ đến hỏi Lê Quý Đôn. Họ thường gọi ông là "túi khôn của thời đại", nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.

Đỗ đầu ba kỳ thi

Năm 1739, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Đến năm 17 tuổi, dưới thời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên). Sách Những người thầy trong sử Việt viết quyển thi của Lê Quý Đôn qua bốn kỳ đều được phê "ưu", các quan chấm thi hết lời khen ngợi. Hôm xướng danh, câu đầu tiên của người lính phát ra từ chiếc loa dài nghêu, vang lên thật rành rọt "Cử nhân - giải nguyên - Sơn Nam - Lê Quý Đôn - Thập bát tuế".

Tuy đỗ đầu thi Hương nhưng Lê Quý Đôn thi Hội mấy lần đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách. Mãi đến năm 1752, khi bước vào tuổi 27, Lê Quý Đôn mới lại dự thi Hội và lần này đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng Nhãn. Đây là danh hiệu dành cho người đứng thứ hai trong tam khôi, dưới Trạng nguyên, trên Thám hoa. Tuy nhiên, kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên nên ông lần thứ ba là người đỗ đầu.

le quy don

Tranh vẽ Lê Quý Đôn. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngay sau khi đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm làm quan và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Lê Trịnh như Thị thư, Thị giảng ở Viện Hàn lâm, Toản tu quốc sử, Thừa chỉ Viện Hàn lâm, Học sĩ ở Bí thư các, Tư nghiệp Quốc Tử Giám hay Bồi tụng. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đến năm 1783, ông được giữ đến chức Thượng thư bộ Công.

Là mệnh quan triều đình, Lê Quý Đôn được đi nhiều, thấy nhiều, nghe nhiều, nhờ vậy mà chuyện gì ông cũng nắm rõ ngọn ngành. Ông từng được cử đi sang nhà Thanh rồi đi gặp sứ thần Triều Tiên và khiến họ phải tôn trọng, khen ngợi.

"Túi khôn của thời đại"

Lê Quý Đôn nổi tiếng là tác giả của nhiều tác phẩm khảo cứu về lịch sử, địa chí, văn hóa Việt Nam. Về lịch sử - địa lý, ông có tác phẩm Đại Việt thông sử (tên gọi khác là Lê triều thông sử) với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê, bắt đầu từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng.

Một số tập sách nổi tiếng khác của Lê Quý Đôn có thể kể đến như Phủ biên tạp lục (6 quyển) ghi chép về tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 18 trở về trước; Vân đài loại ngữ (9 quyển) - "bách khoa thư" đồ sộ nhất thời phong kiến với nhiều tri thức về triết học, khoa học, văn học sắp xếp theo thứ tự: vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...

Ngoài ra, ông còn nhiều sách bàn giảng về kinh, truyện, sách khảo cứu về cổ thư, sách thơ văn. Trong lời tựa sách Kiến văn tiểu lục (Chép vặt những điều nghe thấy), Lê Quý Đôn tự nhận trong thời gian phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi, ông "đi tới đâu cũng để ý tìm tòi, làm việc gì mắt thấy tai nghe đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao cho tiểu đồng đựng vào túi sách".

"Việc dùng bút ghi chépthêm lời bình luận sơ qua mà ông kể đó chỉ là cách nói khiêm tốn của nhà nho chứ tiểu đồng nào, túi sách nào đựng được những gì ông viết ra. Bởi đó là một kho sách đồ sộ, có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, trùm lên các lĩnh vực triết học, luật học, sử học, địa lý học, nông học, xã hội học, dân tộc học, thiên văn học, từ điển học...", tác giả cuốn Những người thầy trong sử Việt viết.

Người thầy lỗi lạc phê phán lối học phục vụ thi cử

Không chỉ là nhà bác học, Lê Quý Đôn còn là người thầy xuất sắc trong các thầy giáo ở nước ta hồi thế kỷ 18. Theo Những người thầy trong sử Việt, ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò đỗ đạt. Thời gian làm các công việc liên quan tới giáo dục trong triều, ông luôn là người thầy uy tín, tham gia giảng dạy, bình văn cho các giám sinh. Ông tổ chức các kỳ thi Hội, thi Đình, lo việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài cho đất nước.

Khác với nhiều bậc thầy đương thời, Lê Quý Đôn còn là người biên soạn sách giáo khoa và nhà lý luận về giáo dục. Ông thấy được cái hạn chế của cách giáo dục tầm chương trích cú, phụ

Trong Kiến văn tiểu lục, ông viết "Cái học ấy làm cho lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh. Người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm, nhún nhường, trong triều đình không nghe thấy lời can gián. Gặp có việc thì rụt rè, cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dẫu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa".

Cũng trong tác phẩm này, ông chia sẻ đã nhận thấy cái vô bổ, phù phiếm của việc bỏ công ra trau chuốt, gọt giũa từng câu, từng chữ những bài thơ, phú để ca tụng lẫn nhau. Ở tác phẩm Vân đài loại ngữ, ông phê phán các nho sĩ đương thời, chỉ biết nhồi nhét những kinh điển viển vông mà coi thường, thậm chí không biết gì đến các môn học khác; đồng thời tha thiết đề xuất phải thay đổi "Giáo khoa phải dạy cả lục nghệ, trong đó cả văn tự và vũ bị".

Về phương châm học tập, Lê Quý Đôn chủ trương khi học phải biết nắm lấy cái chính, có óc suy luận, không nệ vào sách vở và học là để hành. Trong Dịch kinh phu thuyết, ông viết "Sách không hết lời, lời không hết ý... Phải hiểu ngầm ý của thánh nhân ở ngoài lời sách mới được", "đọc sách một thước không bằng hành được một tấc".

Với các bậc cha mẹ, Lê Quý Đôn khuyên "Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp" (không nhất thiết lấy thi cử làm con đường duy nhất để lập thân), "muốn con nên người phải dạy cho chúng biết sợ hãi, biết hổ thẹn, biết khó nhọc".

Trong bối cảnh triều chính, đất nước rối ren, Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng. Sau đó, ông xin về quê mẹ ở huyện Duy Tiên, Hà Nam để chữa trị nhưng không qua khỏi. Ông mất vào giữa năm 1784, thọ 58 tuổi.

Tác giả Văn Tân viết trong cuốn Trí thức Việt Nam xưa và nay: "Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn nhất của nước Việt Nam thời phong kiến. Suốt đời ông đọc sách không biết mệt mỏi và viết sách không mệt mỏi". Ngày nay, tên của Lê Quý Đôn được đặt cho nhiều đường phố, trường học từ đại học đến mầm non ở khắp tỉnh, thành.

Hội Khuyến học        

Nhà Nguyễn là vương triều đầu tiên và duy nhất trong lịch sử trung đại thực hiện chính sách giáo dục đối với các dân tộc ít người.

  Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) lên ngôi năm 18 tuổi. Nhà vua trẻ có hoài bão như cha là Thái Tông, luôn coi trọng việc học. Người hay giả làm thường dân vi hành khu trường Giám để thăm nom các sĩ tử. 

Liên hệ