Vietnamese Vietnamese

 

1. Quan điểm Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ

1

Giải phóng phụ nữ là mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.

Đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ và nhất là đánh giá đúng vị trí, vai trò, khả năng và những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại, Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (1). Phụ nữ chiếm đa số trong nhân dân lao động; là những người chịu nhiều đau khổ, hy sinh, mất mát; có tinh thần cách mạng sâu sắc và là một lực lượng cách mạng to lớn, cho nên “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” (2). Vì vậy, giải phóng phụ nữ không chỉ là công việc riêng của phụ nữ mà gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Giải phóng phụ nữ không chỉ là giải phóng thân thể, tư duy, mà chính là giải phóng cho họ về quyền bình đẳng: quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Xác định một trong những nội dung quan trọng để giải phóng phụ nữ triệt để là thực hiện quyền bình đẳng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng..., đều nhằm mục đích ấy” (3); “Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” (4).

Theo Người, cùng với Đảng và Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để giải phóng phụ nữ, phát huy mọi khả năng, tiềm năng của người phụ nữ, thì mỗi người phụ nữ phải tự mình nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu, xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti, phát triển chí khí tự cường, tự lập; “phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền” (5), “phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng đối với đàn ông” (6).

Không chỉ động viên nhân dân và phụ nữ cố gắng học tập văn hoá, Hồ Chí Minh còn lấy những tấm gương của phụ nữ trên thế giới để động viên, khích lệ phụ nữ Việt Nam, giúp họ xoá bỏ mặc cảm tự ti, tự mình phấn đấu vươn lên… Tiếp đó là xóa bỏ mọi định kiến hẹp hòi, mọi hủ tục, các tệ nạn xã hội, tàn dư của tư tưởng coi thường phụ nữ từ chế độ phong kiến thực dân để lại: “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông” (7).

Thực hiện bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó, khi bố trí công việc cho phụ nữ, các cấp uỷ đảng, các ngành phải căn cứ vào trình độ của từng người và hết sức giúp đỡ họ; đào tạo, bồi dưỡng và bố trí để phụ nữ công tác trong những lĩnh vực phù hợp với sức khỏe và những phẩm chất, khả năng của mình. Hồ Chí Minh nhận thấy cán bộ nữ có nhiều ưu điểm, “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam,…” (8). Những ưu điểm đó xuất phát từ đặc điểm tâm lý, đức tính tốt đẹp của phụ nữ là cẩn thận, chu đáo, tiết kiệm trong chi tiêu, gần gũi với quần chúng... Bố trí cán bộ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng, chị em phụ nữ sẽ có điều kiện để phát huy năng lực của mình. Người chỉ rõ, “…, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm tốt” (9).

2. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ ở nước ta

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ được thực hiện sinh động trong thực tiễn. Không chỉ được khẳng định trong các bản Hiến pháp, các đạo luật: Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi), Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình…; nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phụ nữ như Chỉ thị 44, Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã chú trọng việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Việc nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Đảng, những năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tăng; số cán bộ nữ được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngày càng nhiều, trình độ, năng lực được nâng lên rõ rệt, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế. Phụ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp tăng, ở Trung ương, Đại hội XII của Đảng có 194 đại biểu nữ; nữ Ủy viên BCH Trung ương Đảng khoá XII có 20 đồng chí, chiếm 10% (tăng 1,4% so với khóa XI); nữ Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII có 3 đồng chí, chiếm 15,8%… Quốc hội, nhiệm kỳ khóa XIV đại biểu là nữ 133 người (chiếm 26,8%) tăng 2,4% so với khóa XIII. Ở hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 ở cả ba cấp tỷ lệ nữ đều tăng so với nhiệm kỳ trước.

3. Giải phóng phụ nữ - giá trị thời đại sâu sắc

Quan điểm của Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là luận điểm sáng tạo của Người gắn với thực tiễn cách mạng Việt Nam, và được thể hiện xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta đề ra các chủ trương, chính sách có liên quan vì sự tiến bộ của phụ nữ…Tư tưởng đó không chỉ góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta mà còn trên bình diện quốc tế. Chương trình nghị sự về “Bình đẳng giới” của Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) là một nội dung nằm trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Cuối tháng 9 năm 2015, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ) đã thông qua Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về “bình đẳng giới và tôn trọng tất cả các quyền của con người”. Các nội dung trong mục tiêu về “Bình đẳng giới” được Liên hợp quốc và cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc xác định, thực chất đã được Hồ Chí Minh đề cập đến trong nửa đầu thế kỷ XX. Điều đó cho thấy tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Quan điểm của Người về giải phóng phụ nữ vẫn nóng hổi tính thời sự, đang tiếp tục soi sáng không chỉ cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta - một nhân tố quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà còn có giá trị thời đại - góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về bình đẳng giới: Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Đồng thời loại bỏ tất cả những hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân.

Thế giới càng giàu lên nhưng hiện tượng nghèo đói và sự phân hóa giàu nghèo, sự phân biệt đối xử về giới giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội càng trở nên sâu sắc, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ do đó càng có ý nghĩa và tỏa sáng khắp nơi nơi.

-----------------

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 7, tr. 340, t.12, tr. 300, t.12, tr. 507, t.13, tr. 60 – 61, t. 12, tr. 640, t. 15, tr. 260, t. 12, tr. 301, t. 15, tr. 275, t. 15, tr. 275. 

Thiếu tá, Ths Đặng Công Thành

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòn.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng

Liên hệ